Tranh tứ quý hay còn gọi là tranh tứ cảnh là một trong những bộ tranh quen thuộc, nổi tiếng gồm 4 bức đi cùng nhau, thể hiện cho 4 mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông với 4 loại cây quý: Tùng – Cúc – Trúc – Mai.

Nhiều người yêu thích không gian văn hóa truyền thống và nét mềm mại, hài hòa của tranh nên rất muốn treo tranh tứ quý trong nhà. Vậy tranh tứ quý là gì? Vị trí, cách treo tranh phù hợp? cùng Gốm sứ Hà Thành tìm hiểu thông tin để có cách chơi tránh đúng và ý nghĩa.

Tranh tứ quý gốm sứ Bát tràng cao cấp

  1. Tranh tứ quý là gì?

Tranh tứ quý là loại tranh treo theo bộ, một bộ gồm bốn bức vẽ cảnh bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Mỗi bức tranh là một loài cây, loài hoa tương ứng đại diện cho một mùa trong năm, thường là:

  • Mùa xuân: Hoa mai, hoa lan, hoa đào.
  • Mùa hạ: Cây trúc, hoa sen, hoa hồng, hoa lựu.
  • Mùa thu: Hoa cúc, hoa phù dung.
  • Mùa đông: Cây tùng.

Ngoài ra, mỗi loài hoa, loài cây của mỗi mùa lại tương ứng với một loài chim; mỗi loài hoa đi kèm hình ảnh bút nghiên, cửu đồ…

  1. Ý nghĩa tranh tứ quý

Bộ tranh tứ quý phổ biến nhất là bộ bốn loại cây tứ quý có tên là Tùng - Cúc - Trúc - Mai. Bốn loài cây này được xem như là biểu tượng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong năm và là biểu tượng của bốn đức tính của người quân tử. Người treo tranh tứ quý không chỉ là để trang trí mà còn để cầu mong may mắn, phú quý, sung túc và mang cả những yếu tố phong thủy trong đó bởi bộ tranh này có rất nhiều ý nghĩa tốt lành.

Tứ quý là biểu tượng của bốn mùa được hình thành ở những vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa châu Á như Việt Nam. Vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa, trải qua thời gian, nhờ sự giao thoa văn hóa, tứ quý đã được nâng lên thành một biểu tượng nghệ thuật của nhiều nền văn hóa khác nhau, không chỉ riêng của Việt Nam và Trung Hoa mà còn cả của Nhật Bản, Triều Tiên...

Trong quan niệm của người phương Đông, bộ tứ là biểu hiện của sự đầy đủ, vững chắc, vĩnh cửu, hạnh phúc… và đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật cả dòng chính thống và dân gian.

Ví dụ như tại Việt Nam có tứ bất tử gồm bốn vị thần: Sơn Tinh, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh và Thánh Gióng. Hay trong bộ bài Tây, bốn con bài cùng loại được gọi là tứ quý, trong bộ bài Tam cúc thì gọi là tứ tử trình làng. Người chơi mà có bộ tứ quý, tứ tử trình làng trong tay thì nắm chắc phần thắng nên tứ quý được coi là biểu tượng của sự may mắn, phúc lộc. Trở lại với bộ tranh tứ quý, trong quan niệm của người Việt Nam nói riêng, bộ tranh tứ quý là biểu tượng của sự may mắn, phú quý, sung túc. Mỗi bức tranh cũng là những hình tượng riêng, mang ý nghĩa riêng:

  • Hoa mai: Nhắc đến hoa mai, nhiều người thường nghĩ ngay đến mai vàng đặc trưng của miền Nam. Tuy nhiên, hoa mai trong tranh tứ quý là mai trắng, sinh trưởng trong thời tiết giá lạnh của phương Bắc. Mai trắng vượt qua cái lạnh khắc nghiệt để bung nở rực rỡ trong mùa xuân tượng trưng cho sự tinh khôi, thuần khiết và sức sống mãnh liệt. Vì vậy, hoa mai trong tranh tứ quý mang ý nghĩa tấn tài, tấn lộc, giàu sang, phú quý.
  • Cây trúc: Trúc là loài cây có sức sống mãnh liệt chịu được thời tiết khô hạn, không mưa nhưng vẫn xanh tốt quanh năm. Thân cây vừa dài vừa cao lại luôn đứng thẳng, không bao giờ cong rạp xuống đất dù cho bị đốt cháy. Hình ảnh cây trúc gắn liền với hình ảnh người quân tử, đức tính ngay thẳng, kiên cường, không chịu khuất phục hoàn cảnh. Vì vậy hình ảnh cây trúc là tượng trưng cho sự bền vững, kiên cường trước sóng gió.
  • Hoa cúc: Hoa cúc trong tranh tứ quý là hoa cúc vạn thọ, kể cả khi tàn thì hoa cũng không hề bị rụng khỏi thân cây. Trong phong thủy, hoa cúc tượng trưng cho sự thanh cao, tránh xa những cám dỗ trong cuộc sống. Hoa cúc là biểu tượng của mùa thu trong tranh tứ quý, mang ý nghĩa là lời cầu chúc cho sự trường thọ và nhân cách thanh cao.
  • Cây tùng: Cây tùng là loại cây có bộ rễ rất khỏe mạnh, có thể bám giữ tốt ở bất kỳ địa hình nào dù có là đồi cao gió lớn, vách núi sừng sững hay gánh trên thân mình mảng tuyết dày. Tùng tượng trưng cho khí chất anh hùng, sẵn sàng gánh chịu mọi khó khăn mà không hề than vãn, kêu ca; thầm lặng vượt qua mọi thử thách.

Như vậy, không chỉ tạo nên tính thẩm mỹ cho căn nhà, bộ tranh tứ quý còn mang ý nghĩa hướng đến sự may mắn, tài lộc, bình an, thể hiện sự cân bằng, khí chất ngay thẳng, cương trực, thể hiện sự quân tử của gia chủ.

  1. Cách treo tranh tứ quý

Với ý nghĩa cao đẹp, tranh tứ quý có thể treo nhiều vị trí trong gia đình. Tùy nhu cầu thưởng tranh của gia chủ như: phòng khách, phòng đọc sách, phòng làm việc, ngày nay tranh còn được treo dọc chân cầu thang tạo điểm nhấn sinh động cho ngôi nhà

  • Tranh tứ quý treo trong phòng thờ: do tính chất là nơi thờ cúng trang nghiêm, nơi linh thiêng nhất để bày tỏ lòng biết ơn ông bà, tổ tiên nên việc bài trí trang trí không gian phòng thờ sao cho đẹp, ấm cúng, an bình luôn được các gia đình quan tâm. Do đó, tranh tứ quý treo ở phòng thờ mọi người cần lưu ý một số điểm: Treo theo thứ tự của mùa trong năm; Treo tranh ở 2 bên tường của phòng thờ; Thứ tự xắp xếp tranh tứ quý từ trái qua phải hoặc ngược lại; treo ở vị trí thích hợp tầm nhìn và nếu sử dụng đèn chiếu cần thiết kế với ánh sáng dịu nhẹ. Đặc biệt không treo tranh tứ quý phía tường sau ban thờ.
  • Tranh tứ quý treo trong phòng khách: do tính chất bức tranh lớn nên cần cân chỉnh vị trí phù hợp không gian phòng khách. Phòng khách là nơi sinh hoạt chung của gia đình và là nơi đón tiếp khách quý nên gia chủ cần hết sức chú ý việc bày trí tranh sao cho phù hợp, đẹp, ấm cúng, sang trọng.
  • Cách bố trí treo tranh tứ quý trong phòng khách.

Khi treo tranh tứ quý ở vị trí phía trên đồ nội thất trong phòng, chẳng hạn như ghế sofa, bộ bàn ghế uống nước, bạn cần ước lượng được diện tích mảng tường ở khoảng giữa đồ nội thất và trần nhà. Bạn nên chọn các bức tranh tứ quý có kích thước bằng 2/3 diện tích của mảng tường này.

Nếu bức tranh tứ quý treo quá cao so với đồ nội thất phía dưới, sẽ làm cho bức tranh và đồ nội thất có cảm giác bị rời rạc với nhau. Vị trí đẹp nhất để treo tranh là cao hơn 12-22 cm so với đồ nội thất phía dưới.

Về khoảng cách treo tranh, khi treo bộ tranh tứ quý phía trên ghế sofa trong phòng khách, bức tranh nên treo cách thành sau sofa một khoảng bằng cánh tay. Một mẹo để xác định khoảng cách này đó là hãy đưa cánh tay sát tường, theo thành sau sofa phía trên cánh tay chính là vị trí hợp lý, bạn đánh dấu lại, và treo tranh sao cho mép dưới bức tranh đúng vào vị trí này.

Đồng thời nên chọn vị trí treo tranh tứ quý ngang với tầm mắt. Tầm mắt nhìn được xác định bằng chiều cao khoảng 1,4-1,5 m tính từ sàn nhà. Ở chiều cao này thích hợp hơn để treo các bức tranh lớn. Tầm mắt người ngồi thường thấp hơn, vì thế khi treo tranh ngang tầm mắt ngồi bạn có thể vừa ngồi và vừa ngắm tranh một cách thoải mái nhất.

  • Tranh tứ quý treo tại phòng làm việc: Không gian phòng làm việc thiết kế và bài trí đẹp sẽ giúp bạn có những ý tưởng sáng tạo, giảm đi áp lực công việc, thậm chí hỗ trợ bạn về tinh thần, điều hòa vượng khí nơi làm việc, từ đó sinh tài lộc. Treo tranh tứ quý ở mảng tường thoáng, không nên gò ép ở một vị trí trật hẹp.( có thể treo ở hai mảng tường phòng làm việc hoặc phía sau ghế làm việc, tùy thuộc vào thiết kế phòng làm việc mà chúng ta chọn nơi treo tranh thích hợp).
  • Treo tranh tứ quý tại chân cầu thang: một trong những nét độc đáo là bạn có thể thiết kế treo tranh tứ quý dọc cầu thang để tăng cường tính thẩm mỹ cho ngôi nhà. Cầu thang là xương sống của ngôi nhà vì nó kết nối các tầng với nhau. Bởi vậy cầu thang được coi như là nơi lưu chuyển vượng khí đi khắp các phòng trong căn nhà. Nếu một cầu thang được thiết kế, trang trí đẹp và hợp phong thủy sẽ đem lại nguồn vượng khí tốt cho toàn bộ gia đình.
  • Quy tắc treo tranh tứ quý tại chân cầu thang.

Theo các nhà phong thủy gia việc bài trí treo bộ tranh tứ quý ở lối đi cầu thang, tạo ra sự sinh động và giúp làm tăng mạnh luân chuyển vượng khí cho căn nhà.

Cách treo: Treo bộ tranh tứ quý theo thứ tự tên gọi của bộ tranh. Thứ tự xắp xếp từ dưới lên hoặc từ trên xuống tùng cúc trúc mai. Mỗi tấm cách nhau khoảng cách phù hợp. Nếu lắp đèn chiếu, cần giữ khoảng cách từ 8 đến 15 cm để cho ánh sáng trải đều bộ tranh; và sử dụng đèn có ánh sáng dịu

Góc gốm Bát Tràng khác